BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ EM – NHỮNG THÔNG TIN QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý

Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Và các mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ

Về lâm sàng, dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng được nhận biết qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn ủ bệnh: Từ 3 – 7 ngày, lúc này trẻ chưa có các triệu chứng cụ thể.

– Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy.


Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân của trẻ

– Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 3 – 10 ngày, với các triệu chứng điển hình như:

+ Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi…

+ Phát ban dạng phỏng nước: Biểu hiện rõ nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Ban đầu, nốt ban hồng có đường kính vài milimet, nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và trở thành bóng nước. Bóng nước này chứa dịch và có thể vỡ ra khiến trẻ đau đớn. Bóng nước sau khi vỡ có thể để lại vết thâm, nhưng rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

+ Trẻ có thể sốt nhẹ, nôn.

-Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?

Nếu trẻ mắc tay chân miệng có nhứng triệu chứng sau thì cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện ngay lập tức để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm:

– Sốt cao liên tục trên 39 độ, không hạ 

– Giật mình, hốt hoảng, thất thần

– Run chi

– Yếu chi

Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C, không hạ cần được đưa tới bệnh bệnh nhanh chóng

– Trẻ đi đứng loạng choạng

– Trẻ đảo mắt bất thường

– Nôn ói nhiều

– Trẻ quấy khóc nhiều, dỗ không nín

– Co giật

– Thở mệt

Bệnh tay chân miệng có lây không? Lây qua đường nào?

Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và hô hấp qua các con đường:

– Dịch tiết mũi hoặc họng (nước bọt, nước mũi, đờm…)

– Chất lỏng bên trong mụn nước

– Các giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hay hắt hơi

– Chất thải từ cơ thể người bệnh

– Tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus từ người bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa… rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

– Ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ: Bệnh gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến việc nuốt gặp khó khăn và đau đớn, do đó trẻ thường lười ăn, uống…

– Biến chứng về thần kinh:

+Viêm màng não do virus: Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy (bao quanh não cùng tủy sống).

+ Viêm não: Tình trạng này rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, do virus gây ra viêm ở não.

+ Liệt chi: người bệnh yếu, liệt mềm một hoặc nhiều chi.

– Biến chứng hô hấp tuần hoàn như: Tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp và có thể khiến bệnh nhi tử vong nhanh chóng.

Trẻ bị tay chân miệng rồi có bị lại nữa không?

Trẻ đã mắc tay chân miệng vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể trẻ chỉ tạo ra kháng thể đặc hiệu với một loại virus nhất định, do đó vẫn có thể mắc bệnh lần nữa nếu nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Đặc biệt, trẻ bị suy giảm miễn dịch như suy dinh dưỡng, trẻ nhiễm HIV… có nguy cơ tái nhiễm tay chân miệng cao hơn.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ như thế nào?

✅Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho con ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho bé, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước
✅Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,…) với nước (và xà phòng nếu có thể), sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa. Nhớ vệ sinh thường xuyên.
✅Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng
✅Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn
✅Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa bé đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.
✅Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng.
✅Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của bé sạch sẽ.
📌 Do vậy, bố mẹ cần phải xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, giữ vệ sinh đúng cách cho bé nhà mình và thăm khám kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu.

Bài viết liên quan